Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì vấn đề môi trường đã và đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Việc môi trường bị ô nhiễm gây biến đổi khí hậu cực kì nghiêm trọng. Trong nhiều năm trở lại đây thì “Biến đổi khí hậu” đang được rất nhiều người quan tâm. Biến đổi khí hậu không chỉ có tác động xấu tới đời sống của con người trên trái đất mà còn đe dọa tới môi trường sống của con người trong tương lai.
Vậy biến đổi khí hậu là gì? Nguyên nhân nào dẫn tới biến đổi khí hậu? Giải pháp ứng phó như thế nào?
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi hệ thống khí hậu của trái đất gồm có: Bầu khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển bởi nhiều nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo khác nhau. Hiện tượng này gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nhiều thành phần và khả năng tự phục hồi hoặc sinh sản của nhiều hệ sinh thái trên trái đất.
Đối với con người thì biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế- xã hội và làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Biến đổi khí hậu thường được đề cập tới sự thay đổi thời tiết hay còn được gọi bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hiện nay thì nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu gồm 2 nguyên nhân chính:
Nguyên nhân chủ quan:
Phần lớn là do sự tác động của con người. Do việc thay đổi mục đích sử dụng đất và nguồn nước, sự gia tăng lượng khí thải từ các hoạt động kinh tế của con người. Những tác động này sẽ là biến đổi bầu khí quyển của trái đất. Khi mật độ khí nhà kính vượt mức báo động sẽ làm cho nhiệt độ của trái đất cũng tăng dần lên. Điều này sẽ làm thay đổi thời tiết ở nhiều vùng trên trái đất.
Nguyên nhân khách quan:
Đây là nguyên nhân do sự biến đổi của tự nhiên như: sự biến đổi các hoạt động của mặt trời, trái đất thay đổi quỹ đạo, quá trình kiến tạo núi và kiến tạo các thềm lục địa, sự biến đổi của nhiều dòng hải lưu và sự lưu chuyển bên trong của hệ thống khí quyển.
Như vậy nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu là do hiện tượng hiệu ứng nhà kính hay còn được gọi là sự nóng lên của trái đất và nhiều nguyên nhân từ tự nhiên khác.
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài... dẫn đến xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm. Nguyên nhân dẫn tới việc biến đổi khí hậu nó có thể là do sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, hiệu ứng nhà kính tăng lên trong khí quyển ở mức độ cao... Tuy nhiên nguyên nhân có tác động lớn nhất chính là do con người, các nhà máy xí nghiệp được xây dựng nhiều ...Trong khi đó, rừng bị khai thác và phá hủy, nhiều loài động vật hoang dã gần như rơi vào tuyệt chủng... Sự mất cân bằng trong hệ sinh thái đã dẫn đến những thay đổi trong khí hậu trên toàn cầu. Chúng ta cần nâng cao nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu đồng thời tuyên truyền các biện pháp để cải thiện và bảo vệ môi trường.
Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của riêng ai. Để có thể ứng phó tốt với biến đổi khí hậu thì chúng ta cần:
+ Cập nhật các thông tin về biến đổi khí hậu
+ Hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch
+ Ngăn chặn nạn chặt phá rừng
+ Sử dụng tiết kiệm điện
+ Hạn chế sử dụng hóa chất tổng hợp
+ Hạn chế sử dụng túi nilon khi mua sắm.
+ Tìm kiếm nguồn năng lượng mới (Năng lượng gió, nhiệt, năng lượng mặt trời)
+ Tham gia trồng cây, bảo vệ rừng…
Môi trường là mái nhà chung của toàn nhân loại, bảo vệ môi trường không phải là một lời nói xuông mà đang đòi hỏi cấp thiết và cần phải hành động ngay, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Bởi vậy, tất cả chúng ta hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các biện pháp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Vì tương lai của một trái đất xanh - sạch - đẹp.
Các biện pháp bảo vệ môi trường là một trong những cách khắc phục biến đổi khí hậu mà chúng ta nên làm, góp phần giữ môi trường xanh sạch đẹp, bảo vệ hệ sinh thái và con người bởi các hậu quả biến đổi khí hậu toàn cầu. Vậy các giải pháp bảo vệ môi trường đó là gì?
1. Trồng nhiều cây xanh
Cây xanh là nguồn cung cấp oxi cho bầu khí không khí và nó cũng là nguồn hấp thụ khí cacbon, giảm xói mòn đất và hệ sinh thái. Nên trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà để được hưởng những không khí trong lành do cây tạo ra nên giữ gìn không chặt phá bừa bãi
2. Sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên
Thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất sử dụng trong vệ sinh hàng ngày là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh như Parkinson, ung thư và các bệnh liên quan đến não. Vì vậy, nên sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên và tận dụng hiệu quả mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát dịch hại.
3. Rút các phích khỏi ổ cắm
Có lẽ bạn không biết rằng việc để cho các thiết bị điện gia dụng ở chế độ “chờ” trong thời gian dài đã làm tiêu tốn một lượng điện lớn, vì vậy hãy rút các chuôi cắm ra khỏi ổ hoặc tắt nguồn tất cả các thiết bị như máy sấy tóc, máy vi tính, tivi, thiết bị sạc điện thoại di động… khi không sử dụng.
4. Sử dụng năng lượng sạch
Hãy sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo bất cứ khi nào có thể như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời… Đây là các loại năng lượng sạch vì việc sản xuất và tiêu thụ chúng không làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính như nhiệt điện, và không ảnh hưởng môi trường sinh thái như thuỷ điện và năng lượng nguyên tử.
5. Sử dụng sản phẩm tái chế - Nguyên tắc 3R (reduce, reuse, and recycle)
Giảm sử dụng – tái sử dụng – sử dụng sản phẩm tái chế, hãy đối mặt với thực tế là chúng ta tiêu thụ nhiều hơn cái mà thiên nhiên có thể cung cấp cho chúng ta và mọi thứ đang dần cạn kiệt, kể cả nước! Vì vậy, trước hết hãy giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân, dùng các sản phẩm tái chế thay vì vứt đi!
6. Ta tắm ao ta
Ưu tiên sử dụng các sản vật được sản xuất tại địa phương, như vậy sẽ giảm được sự vận chuyển là một trong những nguyên nhân làm tiêu hao năng lượng và tăng lượng thải các loại khí độc hại. Thử nghĩ xem, cứ gì phải sử dụng các loại trái cây ướp lạnh từ cách xa hàng ngàn kilômet mang đến khi xung quanh ta tràn ngập các loại trái cây nhiệt đới thơm ngon, bổ dưỡng.
7. Giảm sử dụng túi nilông
Siêu thị dùng túi sử dụng nhiều lần để bảo vệ môi trường. Bạn hẳn cũng biết dù rất tiện dụng nhưng các túi nilông không thể bị phân hủy sinh học nên chúng có thể tồn tại trong môi trường đến hàng trăm năm và để sản xuất ra 100 triệu túi nhựa phải tiêu tốn 12 triệu thùng dầu hỏa (1 thùng tương đương với 158,9873 lít), vì vậy hãy sử dụng túi vải, giấy, các loại lá… để gói sản phẩm thay vì sử dụng loại túi này.
8. Tận dụng ánh sáng mặt trời
Tại sao bạn không mở tung cửa sổ ngôi nhà bạn bất cứ khi nào có thể để đón ánh sáng mặt trời thay vì sử dụng các loại đèn chiếu sáng, như vậy bạn sẽ tốt hơn cho đôi mắt, đồng thời tiết kiệm được túi tiền của mình.
9. Sử dụng các tiến bộ của khoa học
Hãy dùng đèn huỳnh quang mặc dù chúng đắt hơn một chút nhưng bền hơn và tiết kiệm đến 75% điện năng so với bóng đèn bình thường. Nhưng phải lưu ý rằng trong chúng cũng chứa một lượng nhỏ thủy ngân, tuy không đủ gây hại cho bạn nhưng sẽ tích lũy vào môi trường nếu không được thu gom và xử lý tốt.
10. Nâng cao ý thức sống
Luôn luôn có ý thức bảo vệ môi trường. Các hoạt động vì môi trường xanh, giờ Trái Đất đều có tác dụng nâng cao nhận thức của mọi người. Nếu ngay từ nhỏ chúng ta đã được dạy các bài học về lòng yêu thiên nhiên và quê hương thì chúng ta cần có ý thức hơn với môi trường.
Mỗi chúng ta hãy cùng chung tay vì một môi trường xanh và không ô nhiễm để cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.